. ÁNH SÁNG

Quái lạ : Thiên Chúa toàn năng vô cùng lại chọn một chốn hèn kém nhất ở trần gian, một chuồng súc vật sơ sài ở Bê-lem, để sinh ra. Và lập luận của Giáo Hội : Chỉ vì điều đó quá khó tin và quá mâu thuẫn nên nó phải là chuyện có thật.

Lối lập luận đó không đủ. Nhưng thật ra, việc chọn cái bé nhỏ là nét đặc thù trong lịch sử Thiên Chúa với con người. Cái đặc thù đó ta thấy trước hết qua việc Ngài chọn trái đất, một hại bụi trong vũ trụ, làm nơi hành động; trong đó dân tộc yếu đuối như Is-ra-en lại được chọn để mang lấy lịch sử của Ngài ; rồi Na-da-ret, một chốn hoàn toàn không ai biết đến, trở thành quê hương Ngài ; và rồi cuối cùng Con Thiên Chúa lại sinh ra ngoài làng Bê-lem, trong một chuồng súc vật. Tất cả như một sợi chỉ đỏ.

Chúa dùng đơn vị đong đo duy nhất của Ngài là tình yêu để đối lại thói kiêu căng của con người. Kiêu căng chính là hạt nhân, là nội dung chính của mọi tội lỗi, nghĩa là của cái tự-coi - mình- muốn- bằng- Thiên Chúa. Tình yêu, trái lại không phải là tự cao, mà tự hạ. Tình yêu cho thấy chính lúc hạ mình là lúc ta vươn lên. Chính khi ta hạ mình, khi ta trở nên đơn giản, cúi xuống với kẻ đói rách, nghèo hèn, khi đó ta mới thật lên cao. Chúa trở nên bé nhỏ, để đưa con người dương dương tự đắc trở về lại đúng chỗ của nó. Xem thế thì quy luật của sự bé nhỏ là khuôn thước nền tảng của hành động Thiên Chúa. Quy luật đó giúp ta nhận ra bản chất Thiên Chúa, và cả chính bản chất của ta. Như vậy, lập luận trên tự nó đã chứa đựng một luận lí cao và trở thành chỉ dấu cho sự thật.

Cảnh tượng giáng sinh đã trở thành nổi tiếng thế giới, và Friedrich Händel[1] đã biến nó thành bất tử qua bản nhạc đại hợp xướng « Messias ». Một thiên thần, bao bọc bởi hào quang thiên chúa, xuất hiện giữa đêm đen báo tin cho những người canh giữ súc vật : « Các bạn đừng sợ ! Tôi báo cho các bạn một tin vui lớn ». Và trong khi thiên thần đang nói, từng đoàn thần linh thiên quốc quần tụ quanh ngài đồng xướng lên lời ca vang vọng trần gian : « Vinh-danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người lòng ngay ».

Đó quả là một trong những cảnh đánh động con tim nhất của Kinh Thánh. Sự đánh động đó đã có từ thời Giáo Hội sơ khai rồi, cứ nhìn vào nghệ thuật thời đó ta có thể thấy điều này. Cảnh tượng đó đi vào lòng người, nhưng sứ điệp của nó còn vươn xa hơn những gì thú vị và đáng yêu.

Cũng lại những người bình dân mộc mạc là những kẻ đầu tiên được gọi tới máng cỏ. Hê-rô-đê không biết chuyện xẩy ra. Cả các nhà thông thái thoạt tiên cũng không biết. Tin vui đã tới với những người chăn súc vật, những người đang trông chờ ơn cứu độ của Thiên Chúa đến với họ. Họ là những người sẵn sàng và biết mở lòng đón nhận. Những người này, cùng với Maria và Giu-se, với Si-me-on và An-na, với E-li-sa-bet và Za-ka-ria-a, là đại biểu của giới nghèo hèn trong Is-ra-en – và như thế là toàn bộ Dân Thiên Chúa. Chúng ta đã thấy trong Thánh Vịnh chữ kẻ nghèo và kẻ lòng nhân là từ chỉ bao trùm thành phần tín hữu ở giữa trong dân Is-ra-en. Cũng như khi Đức Ki-tô khen các trẻ nhỏ là Ngài khen những tâm hồn đơn sơ biết nhìn và lắng nghe tin vui của thiên thần.

Nhóm người thứ hai tới Bê-lem, như Tin Mừng Mat-thêu cho hay, là những nhà thông thái từ phương đông. Rất có ý nghĩa. Kẻ đơn sơ đi trước, nhưng các nhà trý thứccũng không bị loại ra ngoài. Nơi họ có một sự khôn ngoan đích thực, khiến họ mở lòng mình ra cho Đức Ki-tô. Và còn một điều quan trọng nữa. Những nhà thông thái tới máng cỏ là người ngoại. Đây có thể nói là những hình ảnh nói lên chuyển động của Giáo Hội, của người ngoại.